Unitour “Meet the Epiconic: Pathways to success in Marketing” là chuỗi sự kiện mà Ban tổ chức Vietnam Young Lions sẽ hạ cánh tại các trường đại học để cùng gặp gỡ, chia sẻ và truyền lửa đến cho các bạn sinh viên mong muốn dấn thân trong ngành Marketing & Communication. Sự kiện quy tụ các diễn giả đặc biệt – họ là các chuyên gia trong ngành, cựu Winners tại Vietnam Young Lions,… nhằm giúp các bạn sinh viên có cho mình một hướng đi rõ ràng trong hành trình phát triển sự nghiệp.
Tại sự kiện Unitour tại Cơ sở II, Trường Đại học Ngoại thương, Ban tổ chức hân hạnh chào đón sự xuất hiện của anh Đặng Quang Minh – Product Marketing Manager | Google & Gold Winner hạng mục Marketers Vietnam Young Lions 2024 bảng Chuyên nghiệp. Anh đã có một buổi chia sẻ đầy cảm hứng với chủ đề “Failing Better.” Đi cùng vẻ ngoài tự tin, anh không chỉ gây ấn tượng bởi bảng thành tích mà còn vì sự chân thật, dám nhìn nhận thất bại như một phần quan trọng của thành công. Anh Minh bắt đầu buổi trò chuyện với lời bông đùa rằng nếu được cho hai trang giấy để ghi lại tiểu sử, anh sẽ không chỉ liệt kê thành công mà sẽ dành để kể về những thất bại ít ai biết đến – thứ mà anh đặt tên là “Fail Better”.
Cùng tìm hiểu “Fail Better” mà anh Minh quan niệm là gì nhé!
Đằng Sau Những Thành Công Hào Nhoàng Khiến Mọi Người Trầm Trồ, Ít Ai Biết Đến Là Hơn 43 Lần Thất Bại.
Để trở thành đại diện Việt Nam tại hai cuộc thi Young Spikes (Singapore) và Young Lions (Cannes – France) danh giá, có đến 3 lần anh bị loại khỏi vòng Shortlist mà không ai biết. Để tốt nghiệp khóa học Young Marketers Elite Development Program, anh cũng từng trải qua bảy lần bị từ chối, bị loại từ vòng gửi xe. Để làm việc tại hàng loạt tập đoàn lớn như Google, L’Oreal, và Unilever, anh đã nhận về không dưới 30 lần phản hồi tiêu cực, Thank you letter và vô số lần bị từ chối.
Khi tổng kết, anh nói rằng để đạt được bảy thành công đáng nhớ, anh đã trải qua ít nhất 43 lần thất bại. Nhưng đối với anh, đây là “43 lần thất bại thành công” – những thất bại giúp anh vươn đến thành công bền vững.
Vậy “Thất Bại Thành Công – Failing Better” Là Gì?
Anh Minh thẳng thắn thừa nhận rằng, cách đây mười năm, anh không chắc mình có thể dũng cảm nói về thất bại như bây giờ. Ngày ấy, anh cảm thấy xấu hổ khi gặp phải bế tắc sau những nỗ lực không ngừng. Thất bại khiến anh tự hỏi liệu mình có chọn đúng con đường hay không. Nhưng theo thời gian, anh nhận ra rằng thất bại không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là cơ hội để học hỏi. Mỗi thất bại cung cấp cho anh “input data” quý báu: bài học về những gì chưa làm đúng, điểm có thể cải thiện, điểm nào mà những người đi trước có nhưng mình lại không,… Những kinh nghiệm này chính là tiền đề để lần sau, anh không lặp lại những sai lầm cũ. Và khi không mắc lại lỗi lầm cũ, hãy tự trấn an bản thân rằng mình đã thành công rồi!
Trên thực tế, thất bại có rất nhiều loại, nhưng trong sự kiện lần này, anh tạm chia thành ba nhóm thất bại chính:
- Missed Opportunities: Đây là những cơ hội bị bỏ lỡ vì sự chần chừ hoặc do bản thân chưa đủ can đảm để thử.
- Setbacks: Những trở ngại từ bên ngoài hoặc các yếu tố khách quan cản trở bước tiến đến thành công.
- Failing Better: Thất bại như một đòn bẩy giúp ta tiến gần hơn đến thành công. Đối với anh Minh, “Failing Better” là kim chỉ nam giúp anh có kinh nghiệm xử lý tình huống tương tự trong tương lai, đảm bảo không lặp lại thất bại theo cùng một cách.
Phương Pháp 3R Để Củng Cố Niềm Tin Vào Failing Better
- Reflect (Phản chiếu): Dành thời gian nhìn lại những gì mình đã làm để xem những việc đó mang lại giá trị gì cho bản thân và tập thể. Thay vì đâm đầu vào công việc, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự đánh giá, tìm ra những sai lầm để rút kinh nghiệm cho lần sau.
- Receptive (Cởi mở): Đừng ngại yêu cầu và đón nhận phản hồi. Anh hiểu rằng nhận phản hồi, đặc biệt là phản hồi khắt khe, có thể khiến người nghe cảm thấy tổn thương. Tuy nhiên, khi tiếp nhận phản hồi, chúng ta không chỉ nhận được nhận xét về thành quả mà còn có thêm những góc nhìn mới. Anh tin rằng, nếu mở lòng đón nhận, mỗi người sẽ có thêm trải nghiệm quý giá mà không cần tốn nhiều thời gian tự tìm hiểu.
- Rebounce (Đứng lên): Ngã bao nhiêu lần thì đứng dậy bấy nhiêu lần. Mỗi lần vượt qua khó khăn, thất bại sẽ trở thành bài học giúp ta mạnh mẽ hơn trong những thử thách tiếp theo.
Anh Minh thừa nhận rằng có nhiều người vẫn đang gặp khó khăn trên con đường sự nghiệp và phải đối mặt với vô vàn thất bại. Nhưng anh tin rằng, ngoài việc đạt được thành công cuối cùng, họ đã tích lũy được nhiều thành công nhỏ trong hành trình của mình. Những thành công nhỏ đó chính là kết quả của việc “Failing Better” – cách thất bại đúng đắn.
Tạm Kết
Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực marketing, anh Minh nhấn mạnh rằng Failing Better là một trong những “Pathways to success in Marketing” của anh. Thất bại đúng cách không chỉ giúp anh học hỏi, hoàn thiện mà còn là hành trang quý giá khi đối diện với những thử thách lớn hơn trong sự nghiệp.
Buổi chia sẻ của anh Quang Minh không chỉ đơn thuần là câu chuyện về thành công mà còn là hành trình đong đầy trải nghiệm và những bài học sâu sắc từ thất bại. Anh nhắn nhủ rằng mỗi lần vấp ngã là một cơ hội để ta “Fail Better” và tiến gần hơn đến thành công. Trong cuộc sống, sự kiên trì và cởi mở với thất bại sẽ tạo nên con đường vững chắc cho mỗi người.
Và các bạn thí sinh nên ít nhất trải qua 24h Hackathon đầy khốc liệt của cuộc thi Vietnam Young Lions để biết đâu mới là giới hạn của bản thân. Hiện cuộc thi đã bước sang giai đoạn Early Bird với những quyền lợi đặc biệt. Đăng ký ngay!