Không khó để gặp chị Diệu Anh trong những ngày gần đây nếu bạn là một người đang làm trong lĩnh vực quảng cáo sáng tạo. Sau 15 năm làm việc tại hai tập đoàn quảng cáo hàng đầu là Ogilvy & Mather và Leo Burnett, chị Diệu Anh sáng lập và điều hành AiiM từ năm 2011. Với vai trò đại diện chính thức của Spikes Asia tại Việt Nam, chị và AiiM đang tất bật với các hội thảo chia sẻ thông tin và truyền cảm hứng để giới thiệu về Vietnam Young Spikes cho tài năng sáng tạo trẻ.
BRVN: Chị có thể giới thiệu lại ngắn gọn về Spikes Asia được không?
Spikes Asia là Liên hoan & Giải thưởng về Quảng cáo Sáng tạo danh giá nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với bề dày lịch sử hơn 27 năm. Sự kiện này được tổ chức hàng năm vào tháng 9 tại Singapore với sự tham gia của hơn 1,500 đại biểu đến từ 30 quốc gia. Xuất hiện tại Spikes Asia, có thể kể đến những tên tuổi agencies hàng đầu như Ogilvy & Mather, Leo Burnett, Dentsu… cho đến những tập đoàn lớn như P&G, Unilever hay các đại gia về công nghệ thông tin như Google, Microsoft, Twitter….
Nói ngắn gọn, Spikes Asia là nơi tập trung của những đỉnh cao và tinh hoa nhất của ngành Truyền thông sáng tạo và là một trong những vinh dự cao nhất của người làm nghề.
Spikes Asia là nơi tập trung của những đỉnh cao và tinh hoa nhất của ngành Truyền thông sáng tạo.
BRVN: Tại sao AiiM lại bỏ rất nhiều tâm huyết để quảng bá Spikes Asia tại Việt Nam như vậy? Theo chị, Spikes Asia có ý nghĩa như thế nào với ngành quảng cáo sáng tạo tại Việt Nam?
Mặt bằng sáng tạo hiện tại ở Việt Nam còn tụt lại khá xa so với các nước trong khu vực. Đó không chỉ là nhận định của riêng chị mà còn là nhận định chung của các Executive Creative Director (tạm dịch: Giám đốc Sáng tạo Cấp cao) từ các agency hàng đầu như Ogilvy & Mather, JWT, Lowe, BBDO… mà AiiM đã có dịp hợp tác làm việc.
Thậm chí có nhận xét rằng chất lượng sáng tạo của quảng cáo Việt Nam còn thụt lùi so với 10 năm về trước. Người ta vẫn còn nhớ đến những mẩu quảng cáo, những chiến dịch từ trước đây rất lâu như Bitis – Nâng niu bàn chân Việt hay Đèn Đom Đóm – Quỹ Khuyến Học của Cô gái Hà Lan trong khi những sản phẩm truyền thông, quảng cáo thời gian gần đây lại rất hiếm khi đi vào và ở lại lâu trong lòng người.
Tuy không có một chỉ số chính xác nào để đo lường chất lượng, chuẩn mực sáng tạo, nhưng chị tin rằng, nhìn vào thành tích của nước ta tại các sân chơi sáng tạo quốc tế và khu vực sẽ cho thấy phần nào sự tụt hậu và nhỏ bé của ngành Truyền thông Sáng tạo Việt.
Cụ thể năm 2013 vừa qua, Liên hoan Spikes Asia đã tiếp nhận hơn 4,800 bài dự thi từ 20 quốc gia, dẫn đầu là Úc, Trung Quốc với hơn 600-700 bài. Ngay cả những quốc gia gần về địa lý và có mức độ tăng trưởng không quá xa với Việt Nam như Thái Lan hay Philippines, số lượng bài dự thi nộp vào cũng vượt ngưỡng 200. Trong khi đó, Việt Nam lại khiêm tốn với con số 50 bài dự thi, chủ yếu đến từ các tên tuổi lớn, vốn đã quá thiện chiến như Ogilvy, Lowe, JWT, Leo Burnett và trong 50 bài dự thi đó chỉ có 1 bài thắng giải.
Thực trạng đáng buồn này cũng chính là động lực để AiiM quyết tâm trở thành đại diên chính thức tại Việt Nam của các Liên hoan & Giải thưởng quảng cáo sáng tạo, trong đó có Spikes Asia. Theo đó, AiiM sẽ đảm nhận trách nhiệm đề cử thành viên ban giám khảo, tìm kiếm tuyển chọn các tài năng sáng tạo trẻ Việt, đồng thời tổ chức những sự kiện quảng bá, kêu gọi, kết nối đem lại nhiều lợi ích cho ngành truyền thông quảng cáo trong nước. AiiM luôn xem mình là một cầu nối của ngành sáng tạo Việt Nam với khu vực và thế giới – hôm nay chúng ta không sánh vai học hỏi thì đến bao giờ chúng ta mới có thể sánh tầm?
BRVN: Vietnam Young Spikes đóng vai trò như thế nào trong liên hoan quảng cáo sáng tạo danh giá nhất châu lục này?
Vietnam Young Spikes là cuộc thi tuyển chọn đại diện của Việt Nam tham gia tranh tài ở cuộc thi quốc tế Young Spikes tại Singpore, thuộc khuôn khổ Liên hoan Quảng cáo Sáng tạo Spikes Asia. Năm 2013, cuộc thi Young Spikes khu vực đã tiếp đón 60 thí sinh tham dự Young Spikes đến từ 12 quốc gia.
Trước đây, Việt Nam cũng đã từng có đại diện dự thi Young Spikes, tuy nhiên lại không được tuyển chọn trực tiếp từ Vietnam Young Spikes và cũng chỉ dừng lại ở một bộ phận rất nhỏ các đơn vị tham gia – chủ yếu là các công ty quảng cáo sáng tạo có truyền thống.
Thấy được những thiếu sót đó, AiiM đã chủ động đưa vào một số thay đổi quan trọng tại cuộc thi VIETNAM YOUNG SPIKES mùa đầu tiên này. Một trong số đó là: “Sáng-tạo-không-biên-giới” với thể loại Truyền thông Tích hợp, từ đó mở ra cơ hội ngang bằng cho thí sinh đến từ tất cả các mảng của ngành truyền thông sáng tạo, từ advertising, public relations, digital, event, activation cho đến media & media publishing.
Chị Diệu Anh trong buổi chia sẻ về Vietnam Young Spikes với AVC Edelman.
Với những cải tiến như vậy, chị và AiiM hi vọng sẽ tìm được những gương mặt sáng giá đại diện cho Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”, trước hết là để học hỏi và cọ xát, sau đó là hy vọng có thể đem về niềm tự hào cho đất nước. Chị tin trải nghiệm này sẽ giúp thắp lên đam mê của tài năng sáng tạo và lan truyền điều đó trong cộng đồng.
BRVN: Tiêu chí đánh giá của Vietnam Young Spikes là gì?
Không phải là Tính hiệu quả, Chiến lược, hay Thực hiện. Cuộc thi xoay quanh duy chỉ một tiêu chí như lại là “xương sống” của trong ngành truyền thông sáng tạo, đó là Ý TƯỞNG SÁNG TẠO. Và việc đánh giá, chấm điểm các ý tưởng sẽ được thực hiện bởi những người dày dặn kinh nghiệm nhất: những Giám đốc Sáng tạo (Creative Director), Giám đốc Sáng tạo Cấp cao (Executive Creative Director) đến từ các công ty truyền thông quảng cáo hàng đầu tại Việt Nam.
Cuộc thi xoay quanh duy chỉ một tiêu chí như lại là “xương sống” của trong ngành truyền thông sáng tạo, đó là Ý TƯỞNG SÁNG TẠO.
BRVN: Chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang làm trong ngành sáng tạo?
Các bạn hãy tự tin, mạnh dạn tham gia, bốc cháy hết mình, thể hiện bản thân, thể hiện đam mê, như chính tinh thần “Trưởng thành từ cạnh tranh” mà cuộc thi kêu gọi. Đừng sợ thất bại hay xấu hổ vì thất bại lớn nhất là không dám thử sức mình.
Bên cạnh đó, như vẫn thường nhắc đi nhắc lại tại các agency mà chị có dịp đến trao đổi và chia sẻ, hy vọng các bạn luôn tâm niệm rằng chiến thắng tại Việt Nam là chưa đủ. Mà xa hơn thế, các bạn phải giành chiến thắng tại cuộc thi khu vực tại Singapore. Như một minh chứng cho việc ngành Truyền thông Quảng cáo ở nước ta tuy còn nhỏ bé nhưng tinh thần vươn lên thì không gì địch nổi.
BRVN: Chị kỳ vọng thế nào về cuộc thi Vietnam Young Spikes lần đầu tiên này?
Chị hi vọng cuộc thi này sẽ lần phát súng đầu tiên cho kỳ vọng “Nâng tầm sáng tạo Việt”, mà chị tin rằng không chỉ AiiM, mà còn rất nhiều cá nhân, đơn vị trong ngành khác đang nỗ lực theo đuổi.
Khởi đầu bằng việc đốc thúc, rèn giũa thế hệ trẻ, chị tin rằng trong tương lai không xa, chính nhiệt huyết và nỗ lực vươn lên của “măng non” sẽ quay ngược lại, tiếp lửa cho các thế hệ ‘tre chưa già” để toàn ngành, cùng nhau, ta tiến lên phía trước.
Xin cảm ơn chị và chúc cho Vietnam Young Spikes thành công tốt đẹp!